Giữa phong trào ‘retro’ đang thịnh hành, Chạy đi rồi tính lại là phim hài mạnh dạn thử nghiệm bolero thông qua giọng ca kỹ thuật của Bảo Yến, Hồ Quỳnh Hương.
Tiếp tục thành công của bộ phim Gái già lắm chiêu vừa ra mắt khán giả vào mùa Valentine 2016, bộ đôi đạo diễn Namcito và Bảo Nhân đã trở lại với dự án Chạy đi rồi tính với những thay đổi mới.
Bộ phim xoay quanh cuộc chạy trốn “bất đắc dĩ” của một gia đình nhỏ sống trong một khu tập thể bình dân. Elizabeth Phương Trinh (Diễm My 9x) là một ca sĩ phòng trà, dù tuổi ngoài 30 nhưng chưa có một chỗ đứng nhất định trong sự nghiệp. Cuộc sống bí bách và nghèo túng khiến cô luôn cáu gắt với người chồng nhu nhược Đông Hùng (Hứa Vĩ Văn) bán sữa đậu nành và cậu con trai mê quay phim Subin (Trọng Khang). Trong lúc Phương Trinh quyết định mang chiếc nhẫn cưới đến tiệm vàng bán lấy tiền tân trang nhan sắc, gia đình cô không may gặp phải băng cướp Xà Neo và bé Subin đã quay lại được cảnh hai tên cướp đang lộng hành. Vì không muốn chứng cứ lọt ra ngoài, hai tên cướp (Nam Thư và Puka) đã truy đuổi cả nhà nữ ca sĩ. Ngay sau đó, nữ đặc vụ “trời hành” Mỹ Lệ Tuyền (Việt Hương) bất ngờ xuất hiện với nhiệm vụ hộ tống cả gia đình đến địa điểm an toàn. Và cuộc chạy trốn bắt đầu.
Bộ phim hấp dẫn người xem với những chuyển động không ngừng của thể loại hài hành trình, thêm vào đó là sự ứng biến hài hước và dí dỏm trước những tình huống “nửa khóc nửa cười” của các nhân vật. Mạch phim được sắp đặt khéo léo với các tình huống và bối cảnh đa dạng, phần đầu tập trung vào những xung đột trong gia đình Phương Trinh, phần giữa là những cuộc truy quét, rượt đuổi tạo không khí kịch tính cùng sự hài hước xuyên suốt, phần cuối là sự chuyển biến trong đời sống tâm lý cũng như tính cách nhân vật với những chiêm nghiệm về cuộc đời và những giây phút lắng lại của cảm xúc.
Điểm cộng của Chạy đi rồi tính là sự trung hòa giữa những nhóm nhân vật với nhau tạo nên những mảnh ghép thú vị trong xã hội. Mỗi nhân vật đều có những đặc trưng riêng biệt, không ai lấn át ai và tất cả không thể tròn vai nếu không có sự tương tác, hỗ trợ lẫn nhau.
Lời thoại của nhân vật Mỹ Lệ Tuyền do Việt Hương thủ vai trong đoạn gần cuối đã cân bằng rất tốt sự hài hước và nghiêm túc. Nữ danh hài gần như đã thoát được cách diễn hài lố, lấn át trong những vở kịch hài, thay vào đó là một Việt Hương tinh tế, tiết chế hơn nhưng vẫn giữ được nét hài rất Việt Hương.
Trong phim, Diễm My 9x với vai diễn nữ ca sĩ phòng trà Elizabeth Phương Trinh đã khẳng định sự đột phá và khả năng diễn xuất đa dạng, thể hiện sự thay đổi và lột xác với vai diễn “nặng ký” này của mình. Từ một con người đam mê danh vọng, cô đã biết nghĩ nhiều hơn đến giá trị của tình yêu, tình mẫu tử và hơn hết là nhận ra chân lý sống mà mình không để ý bấy lâu nay.
Hứa Vĩ Văn được tạo hình thành một ông bố xuề xòa. Anh phải nuôi tóc, nuôi râu để có vẻ phong trần, phù hợp với vai diễn ông bố bán sữa đậu nành trong khu phố nghèo. Tạo hình mới này mang đến cho người xem những cảm nhận đa chiều hơn về Hứa Vĩ Văn, khác hẳn với ngoại hình lịch lãm, lạnh lùng được anh thể hiện trong Chàng trai năm ấy.
Sau thành công trong Tôi đã thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Trọng Khang quay lại màn ảnh với một tạo hình mới nhưng vẫn giữ cho mình một lối diễn ngây thơ, trong trẻo và tràn đầy cảm xúc. Những giọt nước mắt trong phim sẽ khiến cho khán giả cảm nhận được sự tâm huyết và nghiêm túc mà cậu bé dành cho bộ phim này. Ngoài ra, những diễn viên trẻ khác như Nam Thư, Puka, Diệu Nhi, Duy Khánh… vẫn giữ được cho mình những lối diễn đặc trưng và sáng tạo riêng biệt, tạo nên những mảng màu đối lập thú vị xuyên suốt bộ phim.
Một điểm đặc trưng khác trong các dự án phim của Namcito và Bảo Nhân chính là yếu tố mỹ thuật luôn được chăm chút để tạo những hiệu ứng tốt nhất về thị giác. Ngôi nhà của gia đình Phương Trinh – Đông Hùng tuy không hào nhoáng nhưng lại rất bắt mắt với phong cách “retro” đang rất thịnh hành hay cảnh hồi tưởng của Phương Trinh về người mẹ quá cố với những thăng trầm trong bước đường nghệ thuật cũng tạo được hiệu ứng tốt, thể hiện sự tìm tòi, sáng tạo và cảm quan duy mỹ của đạo diễn. Bên cạnh đó, âm nhạc trong phim được sử dụng linh hoạt, hợp lý và vừa vặn với toàn bộ câu chuyện. Việc ứng dụng dòng nhạc bolero làm điểm nhấn sẽ khiến những khán giả yêu thích dòng nhạc này hài lòng qua màn dàn dựng công phu hoài cổ.
Ca khúc ballad Anh có hay do Hồ Quỳnh Hương trình bày hứa hẹn sẽ lại là một bản hit. Giọng hát của danh ca Bảo Yến qua ca khúc Đêm tâm sự sẽ khiến những khán giả yêu thích dòng nhạc xưa say đắm. Đây cũng là một điểm nhấn thể hiện sự nhạy bén của đạo diễn, nhà sản xuất khi phong trào “retro” đang thịnh hành, trong đó có dòng nhạc bolero mà chưa nhiều phim tận dụng được. Những bản nhạc nhẹ nhàng, sang trọng qua giọng ca kỹ thuật của Bảo Yến, Hồ Quỳnh Hương kết hợp với những bối cảnh được chăm lo tỉ mỉ tạo được một tổng thể rất đẹp mang đậm tính hoài cổ, giúp cho bộ phim có không khí năm mới nhiều hơn.
Tuy nhiên,Chạy đi rồi tính chưa khai thác dứt điểm nhiều nhân vật, một số tình tiết chưa được đẩy đến cao trào khiến khán giả khó hiểu như vai diễn của gã xã hội đen say mê Phương Trinh, tình tiết Phương Trinh cần tiền để tân trang nhan sắc và quyết định bán chiếc nhẫn hay sự trở lại cuối phim của Mỹ Lệ Tuyền sau khi bị bắn trúng tim… Một vài câu thoại nói quá nhanh, chồng chéo khiến khán giả không hiểu hết ý…
Chạy đi rồi tính đã khéo léo vẽ nên một bức tranh đầy màu sắc về cuộc hành trình đi tìm hạnh phúc của các nhân vật. Chúng ta sẽ vô thức nhận ra chính bản thân mình qua sự bí bách, muốn thay đổi và giải thoát khỏi lối sống nhàm chán hay sự bất lực và hi sinh, chấp nhận mọi thứ để bảo vệ hạnh phúc gia đình của Đông Hùng… Cái hay của Chạy đi rồi tính là không đi theo lối hài nhảm, mà có nét văn minh, tân thời nhưng vẫn đảm bảo những giá trị truyền thống trong không khí đoàn tụ của mùa xuân.
Theo Thanh Niên Online