‘Tôi bỏ công việc bác sĩ thẩm mỹ, thu nhập hàng tỷ đồng để làm phim’ – Đạo diễn Bảo Nhân

Khi đạo diễn Bảo Nhân và Nam Cito tìm nữ chính cho “Gái già lắm chiêu”, không diễn viên nào nhận lời. Họ đề nghị đổi tên phim thành “Gái đẹp” hoặc “Quý cô lắm chiêu” mới chấp nhận.

Bộ đôi đứng sau loạt phim Gái già là Bảo Nhân và Nam Cito với cả ba vai trò chính: Biên kịch, đạo diễn và nhà sản xuất. Hai gương mặt này khá thú vị trên đời sống thị trường, luôn song hành và đi qua không ít thành bại, tranh cãi, có phim bị chê bai, có phim bị coi là đạo nhái, nhưng cũng có những tác phẩm ghi dấu ấn về bối cảnh, hình ảnh, diễn xuất.

Zing có cuộc phỏng vấn Bảo Nhân và Nam Cito.

Trước khi đến với phim ảnh, Bảo Nhân (bên phải) là bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ, trong khi Nam Cito đã đứng sau một số phim sitcom được chú ý.

“Chúng tôi chưa bao giờ coi mình là nghệ sĩ”

Hai anh đã bước vào điện ảnh bằng điều gì?

Bảo Nhân & Nam Cito: Bằng sự ngây ngô, vô tư. Đam mê là có nhưng không tham vọng gì cả. Chúng tôi từng nhận không ít hoài nghi, nhiều người bảo là “ngông”.

Chẳng phải Nam Cito đã có kinh nghiệm làm phim trước đó, và chính là người đã chấp bút cho “Những phóng viên vui nhộn”?

Nam Cito: Nhưng chủ yếu là sitcom, quảng cáo. Nếu không gặp Bảo Nhân, tôi cũng sẽ không phát triển về điện ảnh.

Ngây ngô, nhiều sạn, lỗi nhưng tác phẩm điện ảnh đầu tay – Gái già lắm chiêu – đã có lãi?

Bảo Nhân & Nam Cito: Không ai nghĩ Gái già lắm chiêu lần đầu ra mắt năm 2016 lại thành công. Hồi ấy huề vốn đã được coi là thành công rồi nhưng Gái già lắm chiêu thậm chí có một chút lãi. Phim đầu tư 7 tỷ đồng, chưa tính khâu marketing và một số chi phí khác nhưng cuối cùng doanh thu đã vượt con số đó.

Chúng tôi vốn định chỉ dạo chơi, không nghĩ rằng sẽ đi xa nhưng khi Gái già lắm chiêu có doanh thu như vậy, tự nhiên, một bộ phận khán giả lại đặt kỳ vọng vào mình. Và để không làm thất vọng, hai người đã ngồi với nhau, đi qua sự mù mờ, quyết định mở công ty để phát triển series Gái già. Công ty lúc đầu chỉ có 5 người, hai chúng tôi gần như phải tự làm mọi thứ.

Để có “Gái già”, các anh đã bỏ những gì?

Bảo Nhân & Nam Cito: Bỏ rất nhiều và không dễ dàng. Thứ nhất là khi bước vào điện ảnh, tuổi chúng tôi không còn trẻ. Chúng tôi khi đó không phải hai mươi, hai mốt để còn được thử sức, được sai và làm lại. Khi bắt đầu dự án Gái già, cả hai đã tròn 30 và đều không phải học hành chuyên nghiệp về điện ảnh.

Nếu định lượng được, ai bỏ nhiều hơn?

Bảo Nhân: Có lẽ là tôi, khi đó tôi đang là bác sĩ thẩm mỹ, bước sang phim ảnh là bỏ công việc mà một tháng có thể thu tiền tỷ từ việc này. Thực ra những ngày quay đầu tiên của Gái già lắm chiêu, tôi vẫn sáng đi làm, chiều đi quay. Nhưng sau đó buộc phải bỏ hẳn để chuyên tâm làm phim.

Nhưng đó không phải là cái mất lớn nhất. Mất lớn nhất là sự kỳ vọng của gia đình. Để làm bác sĩ phải mất 10 năm đi học, từ đại học lên thạc sĩ chuyên khoa. Đến khi kiếm được tiền lại bỏ ngang thì không chỉ gia đình mà chính bản thân tôi cũng khó chấp nhận.

Nam Cito: Thi thoảng tôi vẫn hỏi Nhân: “Có muốn quay lại không, có hối hận không?”.

Hối hận hay hài lòng, đổi lại, hai anh cũng đã có danh xưng nghệ sĩ?

Bảo Nhân & Nam Cito: Chúng tôi chưa bao giờ coi mình là nghệ sĩ. Bảo Nhân hay Nam Cito đơn giản là nhà kinh doanh về phim ảnh. Những công việc được định danh nghệ sĩ như đạo diễn, biên kịch thực ra chỉ là vì chúng tôi buộc phải làm những vai trò đó, bởi ban đầu mới lập công ty chúng tôi không có nhiều tiền để đi thuê người ngoài. Hiện tại thì vì không kiếm ra được người làm đúng yêu cầu và đúng chất của Gái già nên chúng tôi vẫn làm vai trò biên kịch, đạo diễn kiêm luôn sản xuất, PR, kinh doanh.

Nhưng bên trên hai anh nói là “đam mê”, như vậy thì đâu phải đam mê điện ảnh, đam mê nghệ thuật mà là đam mê kinh doanh?

Bảo Nhân & Nam Cito: Đúng hơn, đó là đam mê sự tự do, rồi cùng nhau tìm được một hướng đi, hướng ấy là làm ra những sản phẩm điện ảnh để bán cho khán giả.

“Đúng, chúng tôi đã ‘lột trần’ một con người khác của Lê Khanh”

Trong hai anh, ai nghệ sĩ hơn?

Nam Cito: Bảo Nhân

Ai mê phim hơn?

Bảo Nhân: Nam Cito, còn tôi không thích xem phim lắm!

Một đạo diễn không thích xem phim?

Bảo Nhân: Trước khi gặp Nam, tôi mù về điện ảnh. Tôi sinh ra và lớn lên ở Huế, tuổi thơ của tôi không có rạp chiếu phim, tôi không lớn lên trong điện ảnh. Nhưng khi gặp Nam và đến với điện ảnh, tôi tìm thấy sự tự do trong tâm hồn nên đã bỏ chiếc áo blouse xuống.

Song đến giờ tôi vẫn không có hứng thú với việc đi xem phim, mỗi lần ra rạp xem phim với tôi là điều rất khó khăn. Tôi luôn phải mang mền theo.

Để…?

Bảo Nhân: Ngủ. Nói thật, tôi gần như không xem phim, chỉ update những phim nào cần biết, còn đam mê xem phim thì không. Ở nhà tôi cũng hiếm khi xem phim. Đạo diễn nào trong ngành đang làm tác phẩm gì tôi cũng không biết gì hết. Nam Cito mới là người am hiểu.

Nam Cito: Nhưng Bảo Nhân lại là người làm kịch bản. Nhân có ý tưởng kịch bản rất nhanh.

Bảo Nhân không thích xem phim, Nam Cito thì ngược lại.
Một người không mê phim lại là tác giả của những kịch bản phim?

Bảo Nhân: Có dự án tôi chỉ mất khoảng một tuần là có kịch bản điện ảnh. Dù trước khi làm phim tôi chưa bao giờ tiếp xúc với kịch bản nhưng tôi vốn là dân y và được đào tạo về tính tự học.

Để viết được kịch bản tôi phải chăm chỉ đọc, tìm hiểu, tự học về cấu trúc chương hồi, viết thoại, tình tiết. Tôi áp dụng cách hệ thống và mã hóa kiến thức từ khoa học để đưa vào quá trình làm kịch bản. Tôi phân chia kịch bản như toán học vậy, hồi một bao nhiêu phút, hồi hai bao nhiêu, hồi ba bao nhiêu. Có thể so sánh là tôi tính toán như một ca mổ, sâu bao nhiêu, dài bao nhiêu và chạm vào mạch máu nào.

Và sau những tính toán là gì?

Bảo Nhân & Nam Cito: Mục đích rất đơn giản, làm phim để có người bỏ tiền ra mua vé. Chúng tôi không mông lung, trước khi bắt đầu lúc nào cũng phải xác định làm cho ai, làm để làm gì và làm như thế nào. Tất nhiên, không phải cứ xác định như vậy phim ắt sẽ thành công.

Qua 7 năm hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh, các anh thấy gu thưởng thức của khán giả đã thay đổi như thế nào?

Bảo Nhân & Nam Cito: Khán giả ngày càng khắt khe và chọn lựa hơn. Bây giờ người ta xem phim không phải chỉ để cười đâu, thời xem chỉ để cười qua rồi. Đừng nghĩ khán giả ra rạp để cười. Nhưng mặt khác họ cũng không cần những thứ quá cao siêu, hàn lâm. Nhìn chung, sản phẩm của chúng tôi thường không đưa ra thông điệp đao to búa lớn nhưng tin chắc rằng vẫn luôn có giá trị.

Chúng tôi biến “gái già trở thành một từ tích cực, mang nghĩa tích cực. Chúng tôi đề cao nữ quyền, cho phụ nữ quyền được “tán trai”, được yêu trai trẻ. Đó là nhu cầu bình đẳng.

Xin tiết lộ rằng thời làm Gái già lắm chiêu 1, chúng tôi rất khó khăn để mời diễn viên nữ tham gia. Nhiều diễn viên đề nghị đổi tên thành “Quý cô lắm chiêu” hoặc “Gái đẹp, tiểu thư lắm chiêu”, bởi vì không ai muốn làm “gái già” cả. Nhưng giờ thì câu chuyện đã khác. Lan Ngọc nổi tiếng và lột xác hơn từ Gái già, đến NSND Lê Khanh cũng thay đổi từ series phim này.

Vậy mà nhiều ý kiến cho rằng Lê Khanh đã đánh mất hình tượng nghệ thuật khi tham gia phim của các anh?

Bảo Nhân & Nam Cito: Không sai là phim của chúng tôi từ tên gọi đã mang nghĩa phim thuần giải trí. Nhưng phần 3 chúng tôi vẫn mời NSND Lê Khanh, một “đền đài” của nghệ thuật miền Bắc. Ngày gặp cô Khanh, chúng tôi cũng rất khép nép, phải đến nhà riêng thay vì hẹn ở quán cà phê như các nghệ sĩ trong Nam. Đến và ngồi đợi, cô Khanh từ từ đi xuống và đó đúng là Thái Tuyết Mai mà chúng tôi cần.

Đến giờ chúng tôi cũng không biết vì sao cô Khanh nhận lời nhưng chắc chắn không phải vì tiền.

Sau mốc “Gái già lắm chiêu 3”, Lê Khanh từng làm điều mà nhiều đồng nghiệp bất ngờ là tham gia game show chuyện phiếm. Được cho là hai đạo diễn đã đưa Lê Khanh trở lại showbiz sau 20 năm, các anh nghĩ gì về quyết định này của nữ NSND?

Bảo Nhân & Nam Cito: Đúng là nhiều người sốc và cho rằng NSND Lê Khanh đã tự bán câu chuyện của mình trên game show. Nhưng đó đơn giản là cách người nghệ sĩ hóa thân và trải nghiệm. Meryl Streep cũng từng sẵn sàng lao vào ổ điếm để tích góp kinh nghiệm cho mình nên đừng trách những hành động có thể khó hiểu của các minh tinh màn bạc. NSND Lê Khanh tham gia game show vì vai diễn Lý Lệ Hà của chị.

Nếu nói Nam Cito và Bảo Nhân đã “đốt” hình ảnh nghệ thuật mang tên Lê Khanh có đúng không?

Bảo Nhân & Nam Cito: Đúng, chúng tôi là người “đốt đền”, chúng tôi mang đến một hình ảnh Lê Khanh khác với trước đây. Nhưng chính NSND Lê Khanh mới là người nhen nhóm ngọn lửa ấy, chị ấy không xi-nhan thì chẳng ai đốt được.

Nhưng cũng phải nói là “ngôi đền” đó có thật không, câu trả lời là không. Cái mà mọi người tạo ra nào là đài các, sang trọng, nghệ thuật, khuôn thước, “nữ hoàng sân khấu”, chỉ là tấm áo mà mọi người khoác cho Lê Khanh bao năm qua. Chúng tôi tiếp tục khoác cho Lê Khanh một bộ áo thời thượng hơn.

Gái già là cuộc chơi màn bạc mới của Lê Khanh, nói như NSND Lê Khanh, chúng tôi không “đốt đền” mà chúng tôi đã “lột trần” một con người khác bên trong Lê Khanh mà bây lâu nay mọi người không thấy.

Hai đạo diễn khẳng định Gái già lắm chiêu V không lỗ dù đấu với Bố già.

“Gái già lắm chiêu V không lỗ như nhiều người nghĩ”

Nhìn lại 4 phần của “Gái già lắm chiêu”, các anh đã đi qua không ít tranh cãi, có những phần phim bị coi là đạo. “Đạo” có phải một từ nặng với các anh?

Bảo Nhân & Nam Cito: Đúng là chúng tôi vốn không phải dân chuyên điện ảnh nên việc học hỏi chỗ này một ít, chỗ kia một ít là có. Nhưng cũng phải nói là chúng ta có một nền nghệ thuật giải trí đi sau thế giới. Do vậy, làm cái gì cũng không thể vượt qua cái bóng của người đi trước, nhiều chủ đề cũng là sự lặp lại, có chạy đi đâu cũng không thoát.

Chúng tôi không phủ nhận là có những phần mà sự sáng tạo không thể nguyên bản 100%. Nhưng chúng tôi luôn cố gắng xóa đi suy nghĩ giống phim này phim kia bằng cách đưa yếu tố bản địa vào. Chúng tôi luôn chủ tâm khai thác văn hóa Việt Nam để đưa vào phim. Xem phần 3 hay phần 5, mọi người thấy được điều đó.

Không thể phủ nhận là với cả hai phần 3 và 5 của “Gái già lắm chiêu”, Huế rất đẹp trong phim?

Bảo Nhân và Nam Cito: Khi giới làm phim ồ ạt quay ở TP.HCM, Đà Lạt có ngán không? Ngán! Do vậy, chúng tôi quyết định thay đổi về bối cảnh và đã chọn Huế. Huế như một đền đài khép cửa, chúng tôi góp phần mở những đền đài ấy ra. Nhưng theo cách hiện đại, không phải cứ Huế là lại áo dài, đội nón, chúng tôi không làm cổ phong như vậy. Chúng tôi làm theo cách khác, cổ điển, truyền thống, văn hóa nhưng vẫn sang chảnh, hấp dẫn, hiện đại.

Bất luận “Gái già lắm chiêu 3” đại thắng hay “Gái già lắm chiêu V” đang khó huề vốn, các anh vẫn là những đạo diễn rất giàu?

Bảo Nhân & Nam Cito: Làm Gái già thì phải nhiều tiền thôi, đó là một thế giới hào nhoáng và sang chảnh mà. Nếu quan sát giới làm phim lâu năm sẽ thấy phim thắng cũng phải chia về nhà sản xuất, nhà rạp nên tiền túi bỏ được chả đáng bao nhiêu. Chúng tôi phải giàu, phải có những nguồn thu khác mới có thể đủ tiền đầu tư cho Gái già.

Theo hai anh, điều gì khiến “Gái già lắm chiêu V” không thể đạt doanh thu như “Gái già lắm chiêu 3”?

Bảo Nhân & Nam Cito: Tôi nghĩ mỗi bộ phim cũng như một cuộc đời, luôn có số phận của nó. Sẽ không ai biết được chính xác phim mình làm sẽ có doanh thu bao nhiêu cả. Dù với lý do gì thì Gái già lắm chiêu V vẫn là một sản phẩm chỉn chu và đặc biệt với chúng tôi cũng như các diễn viên đã tham gia dự án này.

So với mặt bằng phim Việt, con số doanh thu của Gái già lắm chiêu V không thấp và chúng tôi không lỗ như người ta nghĩ.

Trước ý kiến cho rằng “Gái già lắm chiêu V” có chất lượng bối cảnh, hình ảnh, diễn xuất tốt nhưng không tạo ra sự đồng cảm về mặt câu chuyện, khán giả thấy xa lạ khi xem phim, hai anh phản hồi ra sao?

Bảo Nhân & Nam Cito: Chúng tôi muốn làm một dự án có chiều sâu hơn, kể câu chuyện có phần xa lạ với khán giả về những góc khuất của phụ nữ Việt được phủ đậm đặc bởi lớp xa hoa vương giả bên ngoài.

Nội dung phim hướng đến người trưởng thành, là đối tượng chính của series Gái già. Các nhà sản xuất trong giới luôn nói, làm phim về giới giàu sang, vương giả, thượng lưu thì không ai qua được Bảo Nhân và Nam Cito. Nhưng cũng có thể vì giàu quá đâm ra xa lạ với khán giả.

Dù nói thế nào, Gái già lắm chiêu V cũng được coi là không thắng về doanh thu phòng vé, vậy series “Gái già lắm chiêu” của các anh có lung lay?

Bảo Nhân & Nam Cito: Chúng tôi không chỉ đang tự nâng cấp mình mà còn muốn đây là dự án định vị phong cách làm phim của chúng tôi.

Với Gái già lắm chiêu V, chúng tôi không tạo được hiệu ứng trăm tỷ như kỳ vọng nhưng phim chúng tôi vẫn luôn ở top 2 suốt 3 tuần ở phòng vé. Doanh thu đã thu được, ngoài ra còn có hợp đồng với Netflix trong việc chiếu toàn cầu. Chúng tôi đã thu lời từ phim. Phim chúng tôi chưa bao giờ lỗ.

Theo phóng viên Quang Đức – Báo Zing