Đạo diễn Bảo Nhân: “Cuộc đời có những khúc cua bất ngờ!”

Định mệnh đã mở ra vào thời điểm 10 năm trước. Nhịp sống nhộn nhịp tại Sài Gòn đã thôi thúc anh thoát ra khỏi vùng an toàn của bản thân, bước chân vào bộ môn nghệ thuật thứ 7: điện ảnh!

Harper’s Bazaar đã gặp gỡ và trò chuyện cùng đạo diễn Trần Nguyễn Bảo Nhân trong một buổi chiều đầu năm tại văn phòng của anh. Ít ai mường tượng được cha đẻ của vũ trụ điện ảnh Gái già lắm chiêu từng là một bác sỹ thẩm mỹ có tiếng. Điều gì đã khiến anh từ bỏ chiếc áo blouse trắng và bước vào nghệ thuật? Khi ngành công nghiệp giải trí cách đây mười năm chưa khởi sắc như hiện tại?

Trần Nguyễn Bảo Nhân

Học vấn: Tốt nghiệp Đại học Y dược Huế (2012 – 2018)

Năm bắt đầu hoạt động nghệ thuật: 2011

Lĩnh vực hoạt động: Đạo diễn và nhà sản xuất phim

Thành tựu chính

√ Phim sitcom: Tiệm bánh hoàng tử bé (2012), Căn hộ 69 (2014), Ông nội tuổi ô mai (2015)

√ Phim truyền hình: Mùa oải hương năm ấy (2014), Mối tình đầu của tôi (2019)

√ Phim điện ảnh: Chạy đi rồi tính (2016), Gái già lắm chiêu I (2016), Gái già lắm chiêu II (2018), Gái già lắm chiêu III (2020), Gái già lắm chiêu V – Những cuộc đời vương giả (2021)

√ Giải thưởng và đề cử:

Đề cử: Cánh diều vàng Việt Nam cho Đạo diễn xuất sắc nhấtGái già lắm chiêu III

Giải thưởng: Cánh diều vàng Việt Nam cho Phim điện ảnh xuất sắc nhấtGái già lắm chiêu III

 

Những ngã rẽ cuộc đời

Trần Nguyễn Bảo Nhân chưa bao giờ nghĩ mình sẽ dấn thân vào điện ảnh. Thời sinh viên, anh tham gia rất nhiều hoạt động văn nghệ ở trường. Tuy vậy, ý niệm rẽ hướng sang làm nghệ thuật chưa bao giờ hiện lên trong suy nghĩ của chàng trai trẻ.

Theo học chuyên ngành Y khoa, với phần lớn thời gian ở trên lớp từ sáng đến chiều tối. Anh không còn khoảng trống cho những hoạt động khác. Theo Bảo Nhân, tính cách của mỗi người sẽ quyết định hướng đi của họ trong cuộc sống. Tự thấy bản thân có “máu” nghệ sỹ lẫn suy nghĩ linh hoạt của một người làm kinh doanh, anh quyết định rẽ sang điện ảnh.

Bảo Nhân sinh ra và lớn lên ở Huế trong một gia đình truyền thống. Huế trước đây là thành phố tĩnh mịch, không có nhiều tụ điểm giải trí. Anh cũng thừa nhận mình chưa bao giờ bước vào rạp xem phim trong khoảng thời gian ở cố đô. Công việc trong bệnh viện chiếm phần lớn thời gian của Bảo Nhân. Mỗi ngày, anh chỉ đi làm, rồi về ngủ. Guồng quay công việc, cuộc sống cứ thế lặp đi lặp lại.

Và rồi, một cú rẽ bất ngờ đến với Bảo Nhân vào 10 năm trước, khi anh chuyển vào Sài Gòn học chuyên khoa về phẫu thuật thẩm mỹ. Nhịp sống tại thành phố năng động đã thôi thúc anh thoát ra khỏi vùng an toàn của bản thân, bước chân vào bộ môn nghệ thuật thứ 7.

Sài Gòn giữ chân chàng trai trẻ

Tốt nghiệp Đại học Y Dược Huế chuyên ngành hệ bác sỹ đa khoa, Bảo Nhân là một trong số những sinh viên xuất sắc được trường giữ lại làm việc. Chàng bác sỹ trẻ muốn tiếp tục nâng cao kiến thức cũng như trình độ chuyên môn. Anh quyết định học tiếp hai năm thạc sỹ. Anh vào Sài Gòn học thêm chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ. Sau khi hoàn thành chương trình học, anh tiếp tục được Bệnh viện Thẩm Mỹ Sài Gòn giữ lại làm việc.

Đối với anh, từ Huế vào Sài Gòn là một bước tiến lớn. Đạo diễn trẻ cho hay, anh chưa bao giờ có ý nghĩ sẽ rời khỏi Huế. Và cái duyên của anh với Sài Gòn bắt đầu từ đó.

Sau khi vào Sài Gòn, Bảo Nhân tiếp xúc nhiều hơn với phim ảnh. Anh cũng thử sức làm biên kịch, nhà sản xuất và đạo diễn. Anh bộc bạch tất cả những điều anh và bạn đồng hành làm nên ngày hôm nay đều do cả ê-kip tự mày mò, tìm hiểu qua sách, và rút kinh nghiệm trong quá trình làm việc.

“Khi bước vào con đường làm phim, tôi như quay lại đúng với bản ngã, con người của mình”

Tận dụng tư duy logic để làm nghệ thuật

Dù nghệ thuật là sáng tạo, nhưng mọi thứ phải đi theo quy trình, luôn được tính toán kỹ lưỡng, có kế hoạch cho từng cột mốc. Theo Bảo Nhân, không phải lúc nào anh cũng cho phép bản thân bay bổng trong nghệ thuật.

Bảo Nhân tự nhận mình là người rất thực tế trong công việc. Anh vừa làm biên kịch, nhà sản xuất, đạo diễn và lo liệu nhiều công việc khác. Đơn cử, mỗi khi lên chiến lược marketing cho các tác phẩm, anh làm đều tuân theo quy củ và các nguyên tắc. “Tôi ít khi thấy mình là một nghệ sỹ. Tôi thấy mình là một người kinh doanh trong ngành nghệ thuật nhiều hơn”, đạo diễn của Gái già lắm chiêu chia sẻ.

Bảo Nhân làm nghệ thuật dưới góc nhìn của người lên chiến lược. Anh chia sẻ: “Biên độ khoảng cách của một doanh nhân với một nghệ sĩ là làm sao phải tạo ra một điểm giao nhau”.

Khi bắt tay vào làm bất kỳ điều gì, anh luôn có kế hoạch cụ thể. Anh không bao giờ làm theo cảm tính hay cảm xúc bộc phát.

Bảo Nhân nói rằng anh theo đuổi điện ảnh không chỉ vì đam mê. Nếu chỉ có đam mê, bạn không thể đi đường dài. Theo anh, tính thực tế và khả năng sống chết với đam mê sẽ quyết định đó có là nghề nghiệp dành cho mình hay không.

“Điện ảnh đã trở thành nghề nghiệp của tôi”

Đến thời điểm hiện tại, Bảo Nhân có thể tự tin nhận định như trên. Vị đạo diễn của vũ trụ Gái già lắm chiêu bồi hồi kể lại: Giai đoạn đầu khi vừa bước sang nghệ thuật, anh vẫn “chân trong chân ngoài”. Anh vừa đi làm ở bệnh viện, vừa làm các nghề tay trái liên quan đến nghệ thuật. Tuy nhiên, nếu cứ như thế – anh tự hỏi – thì sau vài năm nữa, mình sẽ đi đến đâu?

Khi có ý định chuyển hướng sang nghệ thuật, anh đã gần 30 tuổi. Đó không phải là tuổi còn trẻ để có thể  đưa ra các quyết định sai lầm trong sự nghiệp và bắt đầu lại. Hơn 10 năm theo đuổi ngành Y, từ việc tạo dựng kiến thức đến tiếng tăm, anh sẽ phải bỏ đi hết và bắt đầu lại từ con số 0 nếu bước vào nghệ thuật.

Hơn nữa, anh đã có vị trí nhất định trong ngành Y. Bảo Nhân chia sẻ, ngành Y không chỉ đơn thuần là cái nghề, đó là sự kỳ vọng của gia đình, của dòng họ. Đó còn là tấm áo bước ra đời và được người đời ngưỡng mộ. Chính điều đó lại giữ chân anh, khiến anh quên rằng mình sống vì điều gì.

“Mình sống cho mình hay vì sự thỏa mãn, kỳ vọng từ gia đình?”. Đối với anh, đến với nghệ thuật không thể gọi đó là cái duyên. Bước chân vào điện ảnh, đối với Bảo Nhân, đó là một sự tính toán, cân nhắc; và đánh đổi rõ ràng. Lựa chọn ngã rẽ vào nghệ thuật là anh phải bỏ đi 10 năm đèn sách, kỳ vọng của gia đình để bước qua một con đường mới; một ngành mới với tương lai mơ hồ.

Từng bước hiện thực hóa những dự án điện ảnh

Khi bước vào con đường mới, Bảo Nhân nhận thấy mình nên gác lại quá khứ. Anh buộc mình ở vào tình thế không còn đường lui, con đường duy nhất là bước tới. Anh tập trung cho một mục tiêu duy nhất: điện ảnh. Tiếp đó, là thành lập công ty là để hiện thực hóa những dự án điện ảnh của riêng mình.

Bảo Nhân chia sẻ quyết định bước vào điện ảnh là muốn thỏa mãn đam mê với tự do. Từ khi vào trường Y đến khi trở thành bác sĩ, anh không biết gì về thế giới xung quanh. Cuộc sống chỉ quẩn quanh với công việc ở bệnh viện.

Dần dà, phim ảnh cuốn lấy anh. Tới một thời điểm nhất định, niềm đam mê ngày càng lớn. Anh muốn thực hiện những bộ phim của riêng mình.

“Khi mình bước lên những nấc cao hơn trong công việc, uy tín là yếu tố quan trọng để một người kinh doanh nghệ thuật có thể đi đường dài”

“Chỉ đam mê thôi vẫn chưa đủ”

Lúc mới thành lập, công ty chỉ vỏn vẹn có 5 người. Anh và Nam Cito vừa làm biên kịch, đạo diễn, sản xuất và nhiều công việc không tên khác. Anh nhận ra mình đang ở trong guồng quay của ngành công nghiệp điện ảnh, chứ không còn đơn thuần là đam mê nữa.

Bảo Nhân khẳng định: “Sự tỉnh táo của người làm nghệ thuật là cần thiết”. Sau 5 năm, anh đã gầy dựng nên một vũ trụ điện ảnh. Khi nghe đến cái tên Gái già lắm chiêu, tất cả các diễn viên nữ đều muốn công tác và góp mặt trong các tập tiếp theo của phim.   

Kể cả những tên tuổi gạo cội như NSND Lê KhanhNSND Hồng Vân khi nhận lời mời tham gia đều không nề hà kịch bản, lập tức nhận lời. Điều đó cho thấy nghệ sỹ đặt sự kỳ vọng vào anh quá lớn. Anh cảm thấy vui nhưng áp lực lại nhiều hơn. Vì thế, anh phải đầu tư và sáng tạo ra những tác phẩm có chất lượng để xứng đáng với sự tin tưởng cũng như danh tiếng của những nghệ sỹ ấy.

Gái già lắm chiêu: Vũ trụ điện ảnh về nữ quyền duy nhất trong làng điện ảnh Việt

Gái già lắm chiêu đã xây dựng được lượng khán giả đủ lớn qua 4 phần từ năm 2016. Câu chuyện của những người phụ nữ trong Gái già lắm chiêu là những mẩu chuyện rất gần gũi với đời sống phụ nữ thành thị, từ tình yêu, công việc, gia đình.

Đối tượng khán giả của vũ trụ Gái già lắm chiêu là khán giả nữ. Đây là vũ trụ điện ảnh nói về nữ quyền duy nhất của làng điện ảnh Việt Nam. Nhắc đến Gái già lắm chiêu là khán giả lập tức liên tưởng đến những bữa tiệc hào nhoáng, lễ hội tưng bừng. Điều đó cho thấy dòng phim này mang một màu sắc rất vui vẻ, hiện đại, phù hợp với với không khí của những ngày Tết.

Những phần tiếp theo có được ra mắt khán giả vào dịp Tết hay không còn tùy thuộc vào nội dung của phim. Và phần V không phải là phần cuối cùng của vũ trụ Gái già lắm chiêu, anh chia sẻ.

Theo phóng viên Vy Pham Tạp chí Harper’s Bazaar Vietnam