‘Mùa oải hương năm ấy’ ghi điểm ở bối cảnh và diễn viên

Dù cách tạo tình huống không mới và mạch truyện chưa logic, tập một của bộ phim gây ấn tượng với dàn diễn viên trẻ trung cùng cảnh quay đẹp ở thành phố Đà Lạt.

Ê-kíp Căn hộ số 69 vừa có buổi ra mắt tập 1 bộ phim được làm theo phong cách Hàn Quốc mang tên Mùa oải hương năm ấy. Phim xoay quanh mối quan hệ chồng chéo của những người trẻ trên hành trình tìm kiếm hạnh phúc trong tình yêu và công việc.

Tập đầu bộ phim nói về sự gặp gỡ tình cờ giữa chàng trai Bảo Anh và hai cô gái An Nhiên, Minh Hy. Đúng như cam đoan của nhà sản xuất, phim không làm người xem thất vọng trước những hình ảnh long lanh và lãng mạn không kém phim Hàn. Thành phố Đà Lạt vốn đã xuất hiện trong nhiều bộ phim, nhưng ở Mùa oải hương năm ấy, khán giả, đặc biệt là những người trẻ hoàn toàn mãn nhãn với những cảnh quay khác biệt và ấn tượng.

Nhà sản xuất lựa chọn những bối cảnh rộng như đồi chè, hồ nước hay những con dốc uốn lượn bên rừng thông… làm nền cho nhân vật xuất hiện. Góc quay rộng cùng những cú lia máy theo chuyển động của nhân vật tạo nên cảm nhận về một phố núi hùng vĩ, hiện đại ngoài vẻ lãng mạn, trầm mặc vốn có. Những cảnh hẹp như quán cà phê, ngôi nhà nơi nhân vật chính sinh sống cũng có sự dàn dựng mô phỏng theo phim Hàn.

Trang phục theo phong cách vintage của diễn viên cũng là điểm nhấn khiến khung cảnh thoát khỏi sự nhàm chán. Nhân vật chính An Nhiên luôn xuất hiện với mái tóc dài buông xõa và chiếc váy tím nổi bật giữa không gian xanh mướt của đồi chè hay những con đường rợp bóng cây.

Ngoài phục trang, phim còn ghi điểm bởi dàn diễn viên viên có ngoại hình bắt mắt và lối trang điểm tự nhiên, nhẹ nhàng. Ba diễn viên nam Bảo Trung, Tuấn Trần, Hoàng Kỳ Nam, ngoài vẻ điển trai, gu ăn mặc sành điệu còn sở hữu chiều cao và thân hình của người mẫu. Xưa nay, người yêu phim thường so sánh ngoại hình của diễn viên Việt trong nhiều bộ phim Hàn Quốc được Việt hóa nhưng với Mùa oải hương năm ấy, không ít khán giả trầm trồ trước diện mạo của các nam diễn viên.

Ngoại trừ Sỹ Thanh, hai nhân vật nữ còn lại là Phương Thảo và Bella Mai đều toát lên vẻ tự nhiên, nhẹ nhàng dù đã được hóa trang. Lỗi về trang điểm quá đậm, gắn mi giả lộ liễu thường bị khán giả lật tẩy đã được bộ phận hóa trang khắc phục ở phim này.

Phim ghi điểm ở bối cảnh, phục trang và dàn diễn viên đẹp.

Mùa oải hương năm ấy ghi nhận nỗ lực của ê-kíp ở việc đem đến những hình ảnh đẹp, giai điệu lãng mạn nhưng bộ phim khiến người xem thắc mắc về cách chuyển tải nội dung, diễn biến câu chuyện và diễn xuất của diễn viên.

Sự đụng độ của nhân vật nam chính Bảo Anh với Minh Hy (Sỹ Thanh thủ vai) hay màn làm quen bằng việc giúp sửa xe đạp hỏng là những tình huống quá quen thuộc trong các bộ phim tình cảm lãng mạn Hàn Quốc. Lý giải về điều này, giám đốc sáng tạo Nam Cito cho biết, ê-kíp muốn kể một câu chuyện nhẹ nhàng để khán giả thấy chính mình trong đó với những tình huống và cảm xúc mà họ từng trải qua. “Chúng tôi không chú trọng việc gây sốc hay làm điều gì đó quá mới mẻ với bộ phim này”, Nam Cito nói.

Nhưng chính vì không khí nhẹ nhàng, lãng mạn là tiêu chí xuyên suốt bộ phim nên mâu thuẫn trong tập đầu không được giải quyết triệt để. Trong cảnh đụng xe giữa Bảo Anh và Minh Hy khiến nhân vật nữ ướt mèm và trễ cuộc phỏng vấn xin việc, Sỹ Thanh đã gồng mình để diễn cho ra sự giận dữ, hoảng loạn tột độ của nhân vật. Tình tiết này kéo dài và lặp lại hai lần trong chưa đầy 30 phút khiến mạch truyện ít nhiều bị đứt gãy. Đại diện nhà sản xuất cho rằng, cách hành xử đó phù hợp với tính cách ngốc nghếch và hiểu biết có hạn của nhân vật. “Những tình huống và cách giải quyết trong phim khi đưa ra đều có lý do riêng. Nội dung tập sau thường là giải quyết mâu thuẫn tập trước và tạo ra tình huống cho tập tiếp theo”, giám đốc sáng tạo Nam Cito cho hay.

Mùa oải hương năm ấy gồm 9 tập, mỗi tập kéo dài 30 phút. Phim lên sóng đầu tháng 12 trên một kênh truyền hình dành cho giới trẻ.

Theo Châu Mỹ từ VnExpress